Mục lục [Ẩn]
Kali là khoáng chất nhiều thứ 3 trong cơ thể. Khoảng 98% kali trong cơ thể được tìm thấy trong các tế bào. Trong đó, 80% được tìm thấy trong tế bào cơ, 20% còn lại có ở trong xương, gan và hồng cầu. Nó là một chất giúp kiểm soát nhiều quá trình khác nhau. Do đó, khi bị hạ kali máu, cơ thể sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về điều này trong bài viết dưới đây nhé!
Tại sao bạn cần thận trọng với hạ kali máu?
Hạ kali máu có thể dẫn đến điều gì?
Kali là một chất điện giải quan trọng của của dịch nội bào, giúp kiểm soát lượng nước bên trong các tế bào. Natri lại giúp kiểm soát lượng dịch ngoại bào. Nhờ đó, chúng giúp duy trì sự cân bằng thẩm thấu giữa trong và ngoài tế bào. Khi bị hạ kali máu, lượng nước bên trong tế bào sẽ bị rút ra bên ngoài để tái tạo sự cân bằng, khiến tế bào bị co lại.
Do đó, hạ kali máu có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo ra xung thần kinh, rối loạn nhịp tim và hoạt động của cơ bắp. Thông thường, mức kali máu ở khoảng 3 - 3,5mmol/l sẽ được bù trừ tương đối tốt ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thì mức độ này đã có thể gây loạn nhịp tim.
Khi hạ kali máu ở mức độ vừa và nặng (3 - 2,5 mmol/l), bạn có thể gặp một số triệu chứng như: Mệt mỏi, đau cơ, yếu cơ,... Khi hạ kali máu xuống dưới 2,0 mmol/l, các tình trạng nặng có thể xuất hiện như tiêu cơ vân, liệt tứ chi hoặc các triệu chứng rối loạn cơ vòng như bí tiểu, liệt ruột và cuối cùng là ngừng thở.
Hạ kali máu có thể dẫn đến hiện tượng gia tăng điện thế nghỉ, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ tim, dẫn đến một số hậu quả nguy hiểm như rung nhĩ, ngoại tâm thu, xoắn đỉnh và rung thất. Tất cả những điều này đều có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây hạ kali máu là gì?
Hạ kali máu là một rối loạn điện giải khá thường gặp. Nguyên nhân gây hạ kali máu được chia thành 3 cơ chế sau:
Do sự dịch chuyển kali qua màng tế bào
Tình trạng này được bắt gặp ở những người mắc chứng kiềm chuyển hóa, hoặc liệt cơ chu kỳ có tính chất gia đình. Những người bệnh phải sử dụng insulin điều trị tiểu đường, dùng thuốc đồng vận beta 2, theophylline, cafein, verapamil cũng có thể bị hạ kali máu.
Người bệnh tiểu đường dùng insulin có thể bị hạ kali máu
Do mất kali
- Mất kali qua đường tiêu hóa do tiêu chảy nhiễm khuẩn, tiêu chảy sau hóa trị, hội chứng Werner Morrison.
- Mất kali qua thận do cường Aldosteron, hẹp động mạch thận, toan chuyển hóa ống thận type 1 và type 2, hội chứng bất thường về gen như: Liddle, Bartter, Gilterman. Hoặc, nguyên nhân do sử dụng thuốc lợi tiểu, penicillin, corticoid, amphotericin B.
Do giảm cung cấp kali
Khi lượng kali nạp vào cơ thể dưới 1g/ngày hoặc 25mmol/ngày, bạn có thể bị hạ kali máu thoáng qua. Tình trạng chán ăn hoặc chế độ ăn giàu carbohydrate kết hợp với lạm dụng rượu là nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng hạ kali máu do nguyên nhân dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt magie cũng ảnh hưởng đến hoạt động của kênh Na-K. Điều này khiến nồng độ kali ngoại bào tăng lên, cuối cùng là kali bị thải ra ngoài cơ thể, dẫn đến hạ kali máu thứ phát.
Hạ kali máu được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán hạ kali máu, bạn sẽ được hỏi về tiền sử mắc bệnh, các thuốc đang sử dụng và đánh giá thể tích dịch ngoại bào. Bạn có thể phải làm thêm xét nghiệm đánh giá rối loạn acid - base và xét nghiệm nước tiểu để định hướng chẩn đoán chính xác nguyên nhân hạ kali máu.
- Khi chỉ số kali niệu nhỏ hơn 20 mmol/l sẽ cho thấy nguyên nhân là mất kali ngoài thận, do giảm cung cấp hoặc dịch chuyển kali qua màng tế bào.
- Khi kali niệu > 25mmol/l thì có 2 tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất là tăng thải kali qua thận, do tăng aldosteron thứ phát, giảm thể tích tuần hoàn. Thứ hai là do cường aldosteron nguyên phát, bệnh cầu thận. Việc đo clo niệu sẽ giúp phân biệt 2 tình huống này.
Điều trị hạ kali máu như thế nào?
Điều trị hạ kali máu sẽ nằm ở việc giải quyết nguyên nhân và bổ sung kali. Ngoại trừ tình trạng hạ kali máu thoáng qua, cách điều trị các trường hợp còn lại sẽ là làm giảm lượng kali bị mất qua thận và qua đường tiêu hoá.
Chế độ ăn giàu kali được khuyến cáo ở những bệnh nhân với mức hạ kali máu vừa và không có tiền sử bệnh lý tim mạch. Các thực phẩm giàu kali có thể kể đến như: Cam, dưa lưới, dưa lê, bơ, bưởi, nước dừa, mơ, măng tây, rau chân vịt, bông cải xanh,...
Một số loại thực phẩm giàu kali
Nếu tình trạng hạ kali máu kéo dài, thì bạn sẽ cần phải sử dụng thuốc dạng viên hoặc dạng lỏng. Thuốc kali clorid có dạng viên nang và viên nén với hàm lượng 100mg, 500mg, 600mg và 1.500mg. Thuốc dạng uống có dung dịch 10, 15, 20, 30, 40, và 45/15ml. Thuốc bột pha dung dịch 15, 20 và 25 mmol/gói.
Ở những bệnh nhân hạ kali máu nặng, có triệu chứng loạn nhịp sẽ được truyền kali qua đường tĩnh mạch và cân nhắc việc bổ sung magie. Kali sẽ được truyền rất chậm vào tĩnh mạch và theo dõi kỹ lưỡng trong nhiều giờ để tránh các vấn đề nghiêm trọng về tim, hay kích ứng mạch máu chỗ đặt kim truyền. Đối với người hạ kali máu nghiêm trọng, thì cần phải dùng cả kali truyền tĩnh mạch và uống. Trường hợp hạ kali máu có biến đổi trên điện tim, thì cần được theo dõi liên tục trên máy theo dõi cho đến khi trở về bình thường.
Phòng ngừa hạ kali máu như thế nào?
Để phòng ngừa hạ kali máu, bạn nên tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài. Người bệnh tiểu đường đang sử dụng insulin, hay người bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính đang sử dụng các thuốc đồng vận beta 2 cần tuân thủ đúng chỉ định, và liên lạc với bác sĩ nếu gặp các triệu chứng hạ kali máu. Nếu bị tiêu chảy hay đang dùng thuốc lợi tiểu, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn hàng ngày.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp quý độc giả có thêm nhiều thông tin hữu ích về tình trạng hạ kali máu. Nếu có băn khoăn nào khác về các vấn đề sức khỏe, bạn có thể gọi tới hotline 1800 1044 (miễn cước) để được tư vấn cụ thể hơn.
XEM THÊM: