Mục lục [Ẩn]
Bàng quang là một cơ quan thuộc hệ tiết niệu, có chức năng chứa đựng và co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài. Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi chức năng bàng quang bị rối loạn, co bóp một cách bất thường. Điều này khiến người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu liên tục, đứng ngồi không yên. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về điều này trong bài viết dưới đây nhé!
Bàng quang tăng hoạt - Nỗi khổ tâm khi đứng ngồi không yên vì buồn tiểu
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng như thế nào?
Bàng quang là một cơ quan nằm ở dưới màng bụng, ngay sau khớp mu, có hình dạng giống như một quả bóng rỗng, với 2 đầu nối với niệu quản và 1 đầu thông ra niệu đạo.
Bàng quang có nhiệm vụ chứa đựng nước tiểu được tạo thành từ thận, mỗi lần có thể chứa được từ 300 - 500ml nước tiểu. Hoạt động của bàng quang được chi phối bởi hệ thống thần kinh phức tạp của hệ phó giao cảm.
Khi lược nước tiểu trong bàng quang đạt mức nhất định, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu về não. Khi nhận được tín hiệu, não sẽ phát thông tin phản hồi xuống bàng quang. Lúc này, thành bàng quang co lại, cơ thắt, van ở gần đầu niệu đạo thả lỏng và dần mở ra để nước tiểu chảy xuống, thoát ra ngoài cơ thể.
Bàng quang tăng hoạt còn được gọi là bệnh bàng quang hoạt động quá mức (Overactive bladder – OAB). Tình trạng này xảy ra khi hoạt động của cơ quan này bị rối loạn, co bóp không đúng lúc, gây cảm giác buồn tiểu thường xuyên, đột ngột và không kiểm soát.
Người mắc bệnh bàng quang tăng hoạt có cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm, và kèm theo tình trạng tiểu gấp, không thể nhịn được. Người bệnh thường sẽ đi tiểu trên 8 lần mỗi ngày, và trên 2 lần vào ban đêm.
Bàng quang tăng hoạt khiến người bệnh tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm
Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bàng quang tăng hoạt?
Hiện nay, nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt vẫn chưa được tìm hiểu một cách đầy đủ. Người ta nhận thấy rằng, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên ở những người có tuổi, người bị suy giảm nhận thức hoặc phụ nữ mang thai nhiều lần.
Bên cạnh đó, một số đối tượng cũng có thể gặp phải bệnh lý bàng quang tăng hoạt có thể kể đến như:
Người mắc bệnh tiểu đường
Bàng quang tăng hoạt có thể xuất hiện như một hệ quả do tổn thương thần kinh ở người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tổn thương thần kinh cũng có thể làm giảm hoạt động của bàng quang.
Người mắc phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới, nằm ngay dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo. Ở nam giới trung tuổi trở lên, kích thước tuyến tiền liệt có xu hướng tăng lên bất thường. Điều này có thể gây kích thích bàng quang, từ đó khiến người bệnh luôn cảm thấy buồn tiểu, không thể nhịn tiểu, tiểu nhiều lần, kèm theo tiểu khó, tiểu rắt, tiểu không hết,...
Người mắc hội chứng Parkinson
Hội chứng Parkinson xảy ra do một nhóm tế bào ở não bị thoái hóa. Bệnh tiến triển từ từ, với dấu hiệu thường gặp nhất là run tay, ngoài ra còn có những khó khăn trong vận động như tăng trương lực cơ, co cứng, cử động chậm chạp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mắc phải chứng bàng quang tăng hoạt.
Người bị di chứng sau đột quỵ
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết. Não bộ bị tổn thương khiến người bệnh đột quỵ có thể gặp rất nhiều di chứng kể cả sau khi được điều trị. Những di chứng này ảnh hưởng đến khả năng vận động, nhận thức, ngôn ngữ, tinh thần, thị giác và cả hoạt động của đường tiết niệu, trong đó có bàng quang.
OAB có thể là di chứng sau đột quỵ
Người bị ảnh hưởng sau phẫu thuật
Một số phẫu thuật qua đường niệu đạo nhằm mục đích giảm kích thước tuyến tiền liệt phì đại, tán sỏi,... cũng có thể làm ảnh hưởng đến bàng quang, từ đó gây ra tình trạng bàng quang tăng hoạt.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể gây bàng quang tăng hoạt gồm có: Rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh, có khối u hoặc sỏi bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, dùng các thuốc lợi tiểu, uống nhiều cafe hoặc rượu,...
Bàng quang tăng hoạt có nguy hiểm không?
Bàng quang tăng hoạt là căn bệnh khá phổ biến, với khoảng 30% nam giới, và 40% nữ giới mắc phải. Căn bệnh bàng quang tăng hoạt tuy không quá nguy hiểm, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và cả tâm lý của người mắc.
Việc thường xuyên cảm thấy buồn tiểu khiến người bệnh luôn trong tình trạng đứng ngồi không yên, không thể tập trung hoàn thành công việc hàng ngày. Cùng với đó, việc đi tiểu quá nhiều lần vào ban đêm cũng khiến cho người bệnh bị mất ngủ thường xuyên. Nếu là người cao tuổi hay mắc nhiều bệnh lý nền thì điều này càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.
Hơn nữa, người bệnh có thể cảm thấy mất tự tin, ái ngại mỗi khi phải đi công tác hay du lịch, vì tiểu nhiều và không nhịn được quá vài phút. Từ đó, người bệnh có thể hình thành tâm lý lo lắng, bất an, và dẫn đến giảm giao tiếp xã hội.
Bàng quang tăng hoạt khiến người bệnh buồn tiểu liên tục và không nhịn được
Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng cách nào?
Trước tiên, người bệnh sẽ được thăm khám sơ bộ để đánh giá mức độ bất thường, cũng như tìm nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, tùy vào mỗi nguyên nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ có hướng xử lý phù hợp.
Hiện nay, các biện pháp đang được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt có thể kể đến như:
Dùng thuốc
- Các thuốc kháng muscarinics như darifenacin, fesoterodine, oxybutynin, solifenacin, tolterodine và trospium,... Chúng giúp làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang, tuy nhiên có một số tác dụng phụ như khô miệng, mờ mắt, nhức đầu, tim đập nhanh, khó tiêu, táo bón,...
- Thuốc mirabegron giúp tác động lên thụ thể β3 adrenergic trong cơ chóp bàng quang, từ đó giúp giãn cơ và gia tăng dung tích bàng quang.
- Một số thuốc khác như flavoxate, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc thuốc alpha-adrenergic antagonist.
Tiêm botox vào bàng quang
Botox giúp cơ của thành bàng quang thư giãn, từ đó giảm tiểu gấp và tiểu không tự chủ. Tác dụng của Botox kéo dài đến 6 tháng, và người bệnh cần điều trị lặp lại khi các dấu hiệu bàng quang tăng hoạt tái phát.
Kích thích thần kinh
Phương pháp này còn được gọi là điều hòa thần kinh, gồm có 2 phương pháp là:
- Kích thích thần kinh cùng: Bác sĩ sẽ cấy các điện cực vào rễ thần kinh cùng S3, sau đó nối với một máy tạo nhịp đặt dưới da vùng mông nhằm mục đích kích thích thần kinh cùng để điều hòa các phản xạ thần kinh chi phối cơ đáy chậu và cơ chóp bàng quang.
- Kích thích thần kinh chày: Bác sĩ sẽ sử dụng các điện cực bề mặt hoặc điện kim. Điện cực 1 đặt sau mắt cá chân, và điện cực 2 ở trên điện cực 1 khoảng 10cm. Mỗi lần điều trị khoảng 20 - 30 phút, 2 - 3 lần/tuần và liệu trình từ 4 - 6 tháng.
Phẫu thuật mở rộng bàng quang
Phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng đoạn hồi tràng được áp dụng cho trường hợp bàng quang có kích thước nhỏ, giãn nở kém,... gây tăng hoạt. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây nhiều ảnh hưởng đến người bệnh, nên thường chỉ được áp dụng khi các cách khác không còn hiệu quả.
Phẫu thuật mở rộng bàng quang khi các phương pháp khác không còn hiệu quả
Thay đổi lối sống
Cùng với những biện pháp kể trên, người bệnh sẽ được hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện nhằm giúp cải thiện chức năng bàng quang, đồng thời ngăn bệnh tái phát. Theo đó, người bệnh cần:
- Hạn chế những thực phẩm như cafe, trà, rượu bia, soda, đồ ăn cay, thực phẩm có nhiều đường, các thực phẩm có tính acid (bưởi, cam, chanh), chất làm ngọt nhân tạo, đồ ăn mặn,...
- Uống đủ nước mỗi ngày, nhưng cần hạn chế uống nhiều vào cùng một lúc hoặc vào buổi tối.
- Tiểu 2 lần để làm rỗng bàng quang. Sau khi đi vệ sinh, bạn hãy đợi vài giây rồi tiếp tục đi thêm một lần nữa để đẩy hết nước tiểu ra ngoài.
- Tập Kegel giúp thắt chặt các cơ vùng chậu, nhằm tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.
- Kiểm soát các bệnh lý nền như tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt,... hiệu quả hơn bằng cách sử dụng các sản phẩm như BoniDiabet , và BoniMen.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về tình trạng bàng quang tăng hoạt cũng như cách khắc phục và phòng ngừa hiệu quả nhất. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Những nguyên nhân gây kích thích bàng quang và cách khắc phục
- Các phương pháp siêu âm tuyến tiền liệt phổ biến hiện nay