Mục lục [Ẩn]
Siêu âm đầu dò là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được các bác sĩ chỉ định trong nhiều trường hợp khám phụ khoa. Vậy siêu âm đầu dò là gì? Khi nào bệnh nhân được chỉ định siêu âm đầu dò? Cần lưu ý những gì khi thực hiện phương pháp này? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Siêu âm đầu dò là gì?
Siêu âm đầu dò là gì?
Siêu âm đầu dò là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong đó các bác sĩ sẽ thao tác chèn một đầu dò siêu âm khoảng 2 - 3 inch vào ống âm đạo. Sóng siêu âm tần số cao sẽ tiếp xúc qua ngõ âm đạo, tạo ra hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể.
Phương pháp này dùng để chẩn đoán các bệnh lý của các cơ quan sinh dục như tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng,...
Siêu âm đầu dò âm đạo không áp dụng với các đối tượng sau: trẻ em, phụ nữ chưa quan hệ tình dục, phụ nữ đang hành kinh, bị viêm nhiễm âm đạo,..
Ưu - nhược điểm phương pháp siêu âm đầu dò là gì?
Ưu điểm
Siêu âm đầu dò có những ưu điểm sau:
- Cho chất lượng hình ảnh sắc nét. Điều này giúp các bác sĩ quan sát rõ các cơ quan sinh dục và chẩn đoán chính xác bệnh lý vùng tiểu khung mà các đầu dò ngoài khó có thể phát hiện được.
- Giúp phát hiện phôi thai trong 3 tháng đầu mang thai. Lúc này, phôi thai còn rất nhỏ, phương pháp siêu âm vùng bụng thông thường không phát hiện được.
- Ngoài ra, phương pháp này còn cho hình ảnh quá trình rụng trứng và sự phát triển của trứng.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm trên, phương pháp này cũng có những hạn chế sau:
- Phương pháp này không giúp bác sĩ quan sát được vùng ổ bụng của bệnh nhân.
- Nếu thao tác siêu âm không cẩn thận, niêm mạc bên trong vùng kín của bệnh nhân rất dễ bị tổn thương gây viêm nhiễm. Vì vậy, phương pháp này yêu cầu cao vào tay nghề của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên.
Khi nào bệnh nhân cần siêu âm đầu dò?
Dưới đây là một số trường hợp thường được các bác sĩ chỉ định phương pháp này:
- Bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường sau:
+ Đau vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu lâu ngày.
+ Rối loạn kinh nguyệt, xuất hiện khí hư với màu sắc và mùi hôi bất thường.
+ Chảy máu âm đạo bất thường dù không phải trong thời gian hành kinh.
+ Đau khi đi vệ sinh hoặc đau khi quan hệ tình dục.
- Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định siêu âm đầu dò trong những trường hợp:
+ Bác sĩ muốn kiểm tra vị trí đặt vòng tránh thai.
+ Xác định vị trí chính xác của thai nhi nhằm phát hiện các trường hợp thai ngoài tử cung. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để theo dõi nhịp tim của thai nhi.
+ Đánh giá tình hình sức khỏe sinh sản ở nữ giới.
Siêu âm đầu dò giúp phát hiện những bệnh lý gì?
Siêu âm đầu dò giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh lý của các cơ quan vùng bụng - chậu như:
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi sinh đẻ. Lúc này, ở bên trên hoặc bên trong buồng trứng có xuất hiện các khối u. U nang buồng trứng thường lành tính, tuy nhiên bệnh này cũng có thể phát triển thành các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh này thường không có các triệu chứng rõ ràng, vì vậy để phát hiện, nữ giới nên đi khám phụ khoa thường xuyên và định kỳ.
Siêu âm đầu dò giúp bác sĩ đánh giá được đặc điểm của u như kích thước, vỏ u dày hay mỏng,.. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Siêu âm đầu dò giúp bác sĩ đánh giá được khối u ở bệnh nhân u nang buồng trứng.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là tình trạng xuất hiện khối u lành tính (có nhân xơ) ở tử cung. Nguyên nhân gây ra do có sự phân chia tế bào bất thường ở cơ trơn tử cung. Bệnh này khá phổ biến ở phái nữ, bao gồm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và mãn kinh.
Kỹ thuật siêu âm đầu dò là trợ thủ đắc lực của bác sĩ trong việc chẩn đoán u xơ và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá được số lượng, vị trí, hình dạng, kích thước của u xơ.
Polyp nội mạc tử cung
Đây là bệnh lý phụ khoa trong đó các tuyến và mô đệm nội mạc tử cung phát triển quá mức tạo thành polyp. Kích thước của polyp có thể chỉ vài milimet hoặc đạt đến vài centimet.
Ung thư tử cung
Phương pháp siêu âm đầu dò âm đạo cũng giúp bác sĩ phát hiện các trường hợp ung thư tử cung, từ đó có những biện pháp can thiệp sớm và phù hợp.
Một số câu hỏi thường gặp về siêu âm đầu dò là gì?
Siêu âm đầu dò có đau không?
Nếu các bạn bị lo lắng quá mức, dẫn đến cơ thể siết chặt, cơ thắt âm đạo bị thu nhỏ sẽ tạo cảm giác không thoải mái, gây đau. Để hạn chế cảm giác này, bạn hãy thả lỏng người, không quá căng thẳng khi siêu âm.
Siêu âm đầu dò có an toàn không?
Phương pháp này khá an toàn, hiện tại vẫn chưa ghi nhận tác dụng phụ trên cơ thể con người. Đối với phụ nữ mang thai, phương pháp này cũng không gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Một số chú ý khi siêu âm đầu dò là gì?
- Bệnh nhân nên mặc quần áo thoải mái, rộng rãi.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, cơ thể thả lỏng, không gồng, căng cứng sẽ gây cản trở tới thao tác của bác sĩ.
- Không thực hiện siêu âm đầu dò khi đang đến kỳ kinh nguyệt hoặc đang bị viêm nhiễm vùng âm đạo.
- Tùy theo mục đích siêu âm đầu dò mà bác sĩ sẽ chỉ định để bàng quang rỗng hay căng đầy.
Mong rằng qua bài viết này bạn đã nắm được siêu âm đầu dò là gì. Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa. Nếu có nhu cầu, các bạn nên chọn những cơ sở y tế uy tín để thực hiện nhé!
XEM THÊM: