Mục lục [Ẩn]
Sốt virus (hay còn gọi là sốt siêu vi) là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời thì căn bệnh này có thể gây ra rất nhiều nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chính vì vậy, hiểu rõ về cách xử trí sốt virus ở trẻ em là điều rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh.
Hướng dẫn cách xử trí sốt virus ở trẻ em
Sốt virus ở trẻ em: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Sốt virus là tình trạng do sự tác động của các loại virus khác nhau gây nên. Theo nghiên cứu, hiện có tới hơn 200 loại virus có thể gây sốt virus, trong đó phổ biến nhất là: virus cúm (Influenza virus), Adenovirus, Rhinovirus (tác nhân chủ yếu gây cảm lạnh thông thường),...
Sốt virus có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng trong đó, đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người nhiều bệnh lý nền là thường gặp và dễ bị nặng nhất. Vào những thời điểm giao mùa trong năm, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ẩm, đặc biệt là mùa đông xuân thì tỷ lệ trẻ mắc sốt virus tăng mạnh. Nguyên nhân là do thời tiết khi đấy là điều kiện thuận lợi để các loại virus phát triển, cộng thêm sức đề kháng yếu của trẻ khiến trẻ dễ mắc bệnh. Ngoài ra, tiếp xúc với người mắc bệnh cũng khiến trẻ nhiễm sốt virus.
Biểu hiện của trẻ bị sốt virus:
- Sốt: Trẻ có thể bị sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C. Sau khoảng 5 ngày, tình trạng sốt của trẻ sẽ giảm dần và có thể kết thúc sau khoảng 7 ngày. Trong cơn sốt, trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, quấy khóc.
- Rối loạn tiêu hóa: Trong một số trường hợp, trẻ bị sốt virus có thể đi kèm rối loạn tiêu hóa với đặc điểm phân lỏng, có chất nhày, không có máu. Tình trạng rối loạn tiêu hóa có thể xuất hiện trong khi sốt hoặc xuất hiện muộn sau khi đã hết sốt.
- Phát ban: Trong một số trường hợp, trẻ có thể nổi phát ban đỏ khắp cơ thể. Triệu chứng nổi phát ban thường xuất hiện từ 2-3 ngày sau khi sốt.
- Các triệu chứng viêm đường hô hấp trên: Ho, chảy nước mũi, có đờm, đau họng, phần có nổi hạch… Những biểu hiện này có thể khiến các bậc phụ huynh nhầm tưởng trẻ mắc bệnh đường hô hấp và tự ý cho trẻ dùng kháng sinh.
- Một số triệu chứng khác: Đau nhức toàn thân, đau đầu, chảy nước mắt, mắt đỏ.
Sốt virus ở trẻ em có thể dễ nhầm lẫn với sốt do một số bệnh lý khác, để phân biệt, xin mời các bậc phụ huynh đọc bài viết: Phân biệt các loại sốt thường gặp ở trẻ em mà cha mẹ cần biết.
Sốt virus ở trẻ có nguy hiểm không?
Nhìn chung, sốt virus ở trẻ em không quá nguy hiểm, đa phần có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể diễn tiến nặng và xuất hiện biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể kể tới bao gồm:
- Bội nhiễm dẫn tới viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thanh quản, loạn nhịp tim…
- Nguy hiểm nhất là biến chứng ở não khiến trẻ bị co giật, hôn mê. Theo nghiên cứu, nguy cơ trẻ bị động kinh sau sốt có co giật là khoảng 2%. Tuy nhiên, sốt co giật ảnh hưởng tới não chỉ xảy ra khi trẻ bị sốt co giật phức tạp (thời gian co giật trên 15 phút, sốt cao trên 41 độ), còn với những trường hợp sốt co giật đơn thuần thì không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sau này.
Sốt cao kéo dài có thể khiến trẻ bị co giật
Cách xử trí khi trẻ bị sốt virus
Điều trị sốt virus ở trẻ em là điều trị triệu chứng bởi hầu hết các bệnh do virus gây ra đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc nguy cơ đến từ các thuốc kháng virus là lớn hơn lợi ích mà nó mang lại. Dưới đây là cách xử trí khi trẻ bị sốt virus:
Điều trị cắt cơn sốt virus
Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, lau người cho trẻ bằng nước ấm, đặc biệt là nách và bẹn. Nước ấm giúp giãn nở các lỗ chân lông, từ đó nhiệt dễ dàng thoát ra ngoài. Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Thuốc thường được sử dụng là Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng/lần, các lần cách nhau từ 4-6 giờ.
Lưu ý:
- Nếu cho trẻ uống paracetamol nhưng trẻ nôn trớ thì dùng paracetamol đường đặt hậu môn.
- Điều trị hạ sốt cho trẻ là điều cần thiết, vì nó tránh hiện tượng co giật. Nhưng nếu trẻ không đáp ứng với paracetamol thì nên đưa trẻ tới bệnh viện, không tự ý chuyển sang các loại thuốc giảm đau, hạ sốt khác như ibuprofen khi chưa loại trừ được nguyên nhân sốt do sốt xuất huyết vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu có thể dẫn tới tử vong.
- Không lạm dụng paracetamol vì có thể dẫn đến ngộ độc paracetamol.
- Không hạ sốt cho trẻ bị sốt virus bằng cách chườm lạnh vì sẽ gây co mạch ngoại vi, làm cho trẻ sốt cao thêm.
Điều trị chống co giật
Khi trẻ sốt cao rất có thể dẫn đến co giật, đặc biệt ở trẻ đã có tiền sử co giật hoặc gia đình có người từng bị co giật do sốt, có người bị động kinh. Đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề về sau. Khi đó, các thuốc chống co giật sẽ được sử dụng kèm với thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, các nhóm thuốc này phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Các phương pháp điều trị khác
Các phương pháp khác trong điều trị sốt virus ở trẻ bao gồm:
- Bù đủ nước và điện giải: Khi trẻ sốt cao, ra nhiều mồ hôi hoặc bị nôn trớ, rối loạn tiêu hóa thì trẻ sẽ bị mất nước và các chất điện giải. Bù nước cho trẻ bằng nước uống thông thường hoặc các loại nước hoa quả giàu vitamin, bù điện giải bằng oresol, hydrite theo hướng dẫn.
- Chống bội nhiễm: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Chế độ dinh dưỡng: Cung cấp đủ chất dinh dưỡng, thức ăn mềm, dễ nuốt giúp quá trình phục hồi của trẻ diễn ra nhanh hơn.
Sốt virus ở trẻ có cần sử dụng kháng sinh không?
Thuốc kháng sinh giúp điều trị các bệnh lý do vi khuẩn gây ra, vì vậy không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị sốt virus ở trẻ. Tự ý sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ, nguy hiểm hơn là kháng kháng sinh.
Tự ý dùng kháng sinh gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ
Sốt virus ở trẻ có thể tự khỏi, các trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh là sốt virus có bội nhiễm vi khuẩn (tức là trong quá trình sốt virus, trẻ bị nhiễm thêm vi khuẩn). Đồng thời, việc sử dụng kháng sinh khi đó phải có sự chỉ định từ bác sĩ.
Sốt virus ở trẻ sau bao lâu có thể tái phát?
Sốt virus hoàn toàn có thể bị tái phát, thậm chỉ ngay sau khi cắt cơn sốt một vài tuần bởi căn bệnh này gây ra do hàng trăm chủng loại virus khác nhau, trong khi hệ miễn dịch của cơ thể trẻ là chưa đủ mạnh để phòng chống hết các chủng virus đó.
Dự phòng sốt virus ở trẻ em
Để dự phòng tối đa các cơn sốt virus ở trẻ, một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh như sau:
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
- Khi phát hiện khu vực sinh sống hoặc học tập của bé đang bùng phát dịch thì phải đeo khẩu trang cho bé, dặn bé hạn chế tiếp xúc với mọi người.
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể là biện pháp tối ưu nhất giúp trẻ chống chọi với mọi bệnh tật. Các bậc cha mẹ nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất, khuyến khích các bé tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Với trẻ có sức đề kháng kém hoặc biếng ăn thì các bậc phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng sản phẩm BoniKiddy +.
Để tìm hiểu rõ hơn biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, xin mời các bậc phụ huynh cùng theo dõi bài viết: Giải pháp giúp con yêu tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch toàn diện nhất.
Trên đây là một số thông tin về sốt virus ở trẻ mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Nếu trẻ sốt quá cao hoặc không thể cắt cơn sốt cho trẻ sau khoảng 2 ngày, hãy đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời. Hãy theo dõi chúng tôi, hoặc liên hệ 1800.1044 (miễn cước) để nhận thêm những thông tin y khoa hữu ích.
XEM THÊM: