Mục lục [Ẩn]
Tiền mãn kinh là giai đoạn tất yếu trong cuộc đời người phụ nữ với nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý, gây nhiều ra triệu chứng phiền toái, khó chịu. Mỗi người phụ nữ lại có những dấu hiệu tiền mãn kinh khác nhau. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về các dấu hiệu tiền mãn kinh cũng như một số biện pháp giúp bạn thích nghi với giai đoạn này dễ dàng hơn.
Những dấu hiệu tiền mãn kinh ở phụ nữ là gì?
Tiền mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh là giai đoạn trước thời kỳ mãn kinh, còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Thông thường, giai đoạn tiền mãn kinh bắt đầu ở tuổi 37 - 45 và kéo dài 2 - 10 năm.
Trong giai đoạn này, chức năng trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng của phụ nữ suy giảm nhiều. Từ đó dẫn đến sự thay đổi nồng độ các hormone estrogen, testosterone và progesterone trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu tiền mãn kinh ở phụ nữ.
Trong giai đoạn cuối, cơ thể phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen. Nếu trong 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt thì phụ nữ chính thức bước sang giai đoạn mãn kinh.
Ngoài ra, có một số phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh sớm hơn bình thường, do:
- Suy buồng trứng sớm.
- Di truyền: Có người thân trong gia đình bị mãn kinh sớm.
- Đã từng bị hóa trị hoặc xạ trị
- Bị cắt bỏ buồng trứng hoặc tử cung.
- Mắc các bệnh rối loạn miễn dịch, rối loạn chuyển hóa.
- Đã từng hút thuốc lá trong thời gian dài.
Các dấu hiệu tiền mãn kinh thường gặp
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo thời kỳ tiền mãn kinh thường gặp ở phụ nữ.
Rối loạn kinh nguyệt
Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của thời kỳ tiền mãn kinh.
Phụ nữ có các biểu hiện như sau: chu kỳ kinh nguyệt không đều, chu kỳ quá dài hoặc quá ngắn, lượng máu ra ít hoặc nhiều hơn trước. Nguyên nhân do những thay đổi của hormone ảnh hưởng đến việc phóng thích trứng của buồng trứng.
Tuy nhiên, một số bệnh phụ khoa như buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, u nang buồng trứng,.. hay các bệnh tuyến giáp cũng gây nên rối loạn kinh nguyệt.
Mất ngủ
Theo thống kê, có khoảng 60% phụ nữ tiền mãn kinh gặp tình trạng khó ngủ, mất ngủ.
Phụ nữ tiền mãn kinh thường bị mất ngủ.
Phụ nữ tiền mãn kinh thường bị mất ngủ do những nguyên nhân sau:
- Suy giảm nồng độ hormone tăng trưởng HGH. Đây là hormon quan trọng trong việc thiết lập và duy trì giấc ngủ sinh lý tự nhiên.
- Thay đổi nội tiết tố: Nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm dần dẫn tới mất ngủ
- Căng thẳng, stress, lo âu: Tâm trạng phụ nữ giai đoạn này hay bực tức, cáu gắt, khó chịu khiến họ khó đi vào giấc ngủ hơn.
Nóng bừng, bốc hỏa
Khi nồng độ estrogen suy giảm, các mạch máu trong cơ thể giãn ra khiến nhiệt độ da tăng lên. Từ đó, phụ nữ tiền mãn kinh thường cảm thấy nóng bừng và đổ nhiều mồ hôi. Các chị em thường cảm thấy nóng bừng lan từ ngực lên vai, cổ và lên đầu.
Sau khi thoát nhiều mồ hôi, da mất nhiều nhiệt lượng khiến bạn cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi và uể oải sau đó. Cơn bốc hỏa vào ban đêm còn đi kèm với đổ mồ hôi nhiều, ngủ ngáy, tỉnh giấc giữa đêm.
Hiện tượng này có thể kéo dài từ 2 - 5 năm.
Giảm ham muốn tình dục
Trong thời kỳ này, hormone suy giảm khiến âm đạo nữ giới thường khô và đàn hồi kém. Điều này khiến nữ giới cảm thấy khó chịu, đau vùng kín, đặc biệt khi quan hệ tình dục.
Đồng thời, nội tiết tố suy giảm còn khiến nữ giới khó đạt cực khoái khi quan hệ.
Đây là những nguyên nhân khiến nữ giới bị giảm ham muốn tình dục.
Dễ thay đổi tâm trạng
Sự thay đổi nội tiết tố đột ngột khiến chị em nhạy cảm quá mức, dễ nóng giận, khó kiểm soát cảm xúc. Đây là đối tượng rất dễ bị trầm cảm nếu không được giải tỏa kịp thời.
Phụ nữ tiền mãn kinh dễ nóng giận.
Thay đổi về ngoại hình
Phụ nữ tiền mãn kinh thường có những thay đổi rõ nét về ngoại hình như:
- Tăng cân do quá trình trao đổi chất chậm lại cùng với căng thẳng tăng cao. Mỡ thường tích tụ nhiều ở vùng eo, bụng, đùi, bắp tay.
- Da trở nên khô ráp, đàn hồi kém, nhiều tàn nhang và nám sạm, nếp nhăn cũng nhiều hơn.
- Móng tay giòn và dễ gãy.
Loãng xương
Hormone estrogen giảm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và chuyển hóa calci của cơ thể. Do đó, phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ bị loãng xương cao. Để giảm bớt nguy cơ, phụ nữ giai đoạn này nên bổ sung calci, vitamin D và nội tiết tố theo chỉ định của bác sĩ.
Phụ nữ tiền mãn kinh cần chú ý gì?
Chắc hẳn qua phần trên bạn đã nắm được các dấu hiệu tiền mãn kinh thường gặp. Để thích nghi với giai đoạn này, bạn nên chú ý những điều sau:
Chế độ ăn uống
Bạn nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, hoa quả và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu các chất:
- Calci: Bổ sung calci sẽ giúp bạn giảm nguy cơ loãng xương khi bước vào giai đoạn này. Một số thực phẩm giàu calci là: trứng, động vật có vỏ, các loại đậu,..
- Chất xơ: Chất xơ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, ít thèm ăn giúp duy trì cân nặng. Chất xơ có nhiều trong: Các loại rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
- Chất đạm: Bạn cần đảm bảo đủ lượng chất đạm trong chế độ ăn để duy trì khối lượng cơ. Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu… là nguồn protein tốt.
- Acid béo Omega - 3: Omega - 3 có tác dụng giảm viêm, cải thiện tâm trạng rất tốt. Bạn nên ăn các loại cá dầu như cá ngừ, cá thu,... và các loại hạt để bổ sung nó.
Chế độ sinh hoạt
Bạn cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh như:
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
- Ngừng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.
- Ngủ đủ giấc.
- Duy trì cân nặng ổn định.
- Tắm nắng hàng ngày.
Tắm nắng giúp bạn giảm nguy cơ loãng xương.
Sử dụng thuốc
Bạn nên đi khám nếu các dấu hiệu tiền mãn kinh của bạn nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Liệu pháp thường được chỉ định trong giai đoạn này là liệu pháp thay thế hormon với bản chất là sử dụng hormone nữ giới (Estrogen và Progesterone) tổng hợp bên ngoài để bù đắp phần hormon thiếu hụt. Liệu pháp đem lại hiệu quả cao nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ, bạn chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được các dấu hiệu tiền mãn kinh. Tiền mãn kinh là giai đoạn khó khăn với mỗi người phụ nữ. Để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu và vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn, bạn nên sinh hoạt điều độ, có chế độ ăn lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!
XEM THÊM: