Mục lục [Ẩn]
Thiếu máu là một căn bệnh vô cùng phổ biến, được bắt gặp ở khoảng 1 phần 3 dân số thế giới. Điều đáng lo ngại ở đây là thiếu máu lại dường như không nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Trong khi đó, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa thiếu máu nhé!
Thiếu máu - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Nguyên nhân gây thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng sụt giảm đáng kể về số lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong cơ thể. Đây là vấn đề có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi và giới tính. Các nguyên nhân gây thiếu máu được chia thành 4 nhóm chính gồm:
- Thiếu máu do mất máu: Tình trạng này bắt gặp ở những người bị chảy máu nhiều do chấn thương; xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng; viêm đại tràng mãn tính; bệnh trĩ; kinh nguyệt kéo dài; nhiễm giun sán;...
- Thiếu máu do tan máu: Trường hợp này được bắt gặp trong các bệnh lý như: bệnh hồng cầu hình liềm, thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh, sốt rét, nhiễm độc, bỏng, bệnh tự miễn,...
- Thiếu máu do rối loạn sinh máu: Được bắt gặp ở bệnh suy tủy, loạn sản tủy xương, ung thư máu, ung thư di căn tủy xương.
- Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu: Erythropoietin, acid amin, acid folic và vitamin B12, thiếu sắt,...
Một số triệu chứng thiếu máu điển hình mà bạn không thể bỏ qua
Các tế bào hồng cầu trong máu nắm giữ nhiệm vụ vận chuyển oxy và dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng tất các cơ quan của cơ thể, từ não bộ, gan thận, xương khớp, cho đến lông tóc, móng,... Do đó, khi bị thiếu máu, toàn bộ cơ quan và các quá trình trong cơ thể đều sẽ bị ảnh hưởng.
Người bị thiếu máu sẽ gặp phải một số triệu chứng điển hình như:
- Triệu chứng thiếu máu não: Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, giảm thị lực, ù tai, giảm thính lực, ngất, giảm trí nhớ, mất ngủ, dễ cáu gắt,...
- Triệu chứng thiếu máu tại các chi: Tê bì, nhức mỏi chân tay, yếu cơ, chuột rút, khả năng vận động kém,...
- Triệu chứng trên tiêu hóa: Chán ăn, đầy bụng, đau bụng, đi lỏng hoặc táo bón,...
- Triệu chứng trên tuần hoàn: Hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, đau vùng trước tim, tim đập nhanh,...
- Các triệu chứng trên da và niêm mạc: Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, vàng da trong trường hợp thiếu máu do tán huyết; sạm da và niêm mạc nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hoá sắt. Những vị trí có thể quan sát rõ ràng nhất là ở vị trí như: da mặt, lòng bàn tay, niêm mạc mắt, môi, vòm miệng,...
- Các triệu chứng khác: Lưỡi nhợt, gai lưỡi mòn hay mất làm lưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng; tóc rụng, móng tay giòn dễ gãy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía, bở, dễ gãy,...
Nếu không được điều trị, thiếu máu có thể gây mệt mỏi kéo dài, khiến cho người bệnh gặp phải nhiều khó khăn trong sinh hoạt và các công việc hàng ngày. Phụ nữ mang thai bị thiếu máu do thiếu folate có thể dẫn đến sinh non, gây dị tật ống thần kinh cho thai nhi (như nứt cột sống, vô sọ, thoát vị não).
Thiếu máu còn có thể gây rối loạn nhịp tim, khiến tim đập nhanh hơn hoặc không đều. Việc tim phải đập nhanh và nhiều hơn để bơm máu trong thời gian dài có thể dẫn đến suy tim. Những tình trạng mất máu nhiều, nhanh chóng như thiếu máu hồng cầu hình liềm còn có thể dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng của bệnh thiếu máu
Các biện pháp điều trị bệnh thiếu máu
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh thiếu máu, mà người bệnh sẽ được điều trị bằng những biện pháp như:
- Thiếu máu do bất sản: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc, truyền máu hoặc ghép tủy xương,...
- Thiếu máu do tán huyết tự miễn: Người bệnh được dùng các thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm sự hoạt động của hệ thống miễn dịch.
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm: Người bệnh được sử dụng thuốc giảm đau, bổ sung axit folic, dùng kháng sinh cách quãng hoặc liệu pháp oxy. Hiện nay việc sử dụng hydroxyurea và voxelator cũng được đề xuất để khắc phục tình trạng này.
- Tan máu bẩm sinh: Tình trạng tan máu nhẹ thường sẽ không cần điều trị, tuy nhiên với những trường hợp nặng, người bệnh có thể cần truyền máu, ghép tủy xương hoặc phẫu thuật,...
- Thiếu máu dinh dưỡng: Được khắc phục bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt, acid folic, vitamin B12,...
Phòng ngừa bệnh thiếu máu bằng cách nào?
Các biện pháp phòng ngừa thiếu máu chủ yếu được dùng cho các trường hợp thiếu máu do dinh dưỡng, hoặc một số bệnh lý không liên quan đến miễn dịch, bẩm sinh hay di truyền. Theo đó, các biện pháp này có thể kể đến như:
Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Để phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng, bạn hãy bổ sung vào bữa ăn hàng ngày những thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic như:
- Thực phẩm giàu sắt: gan, tim, trứng, giá đậu, hoa quả, bông cải xanh, rau có màu xanh đậm,…
- Thực phẩm giàu acid folic: rau xanh, thịt, trứng, gan, men bia, đậu quả, đậu hạt,...
- Thực phẩm giàu vitamin B12: thịt, cá, trứng, gan…
Bên cạnh đó, bạn hãy kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt vào cơ thể. Ngược lại, bạn không nên uống sữa, trà cùng bữa ăn, hoặc ăn cùng những thực phẩm giàu kẽm, vì chúng sẽ làm giảm hấp thu sắt vào cơ thể. Đặc biệt, bạn không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá.
Sử dụng các thực phẩm chức năng
Sử dụng thực phẩm chức năng sẽ cần thiết trong một số trường hợp mà dinh dưỡng hàng ngày không thể đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, điển hình như phụ nữ khi mang thai. Để có tác dụng tốt nhất, bạn nên lựa chọn thuốc dạng dung dịch uống có chứa sắt III (sắt hữu cơ) vì chúng dễ hấp thu hơn, ít bị dư thừa và không gây táo bón.
Tẩy giun định kỳ
Cả người lớn và trẻ em đều cần được tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần. Cùng với đó, bạn nên giữ vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, không ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, bị nhiễm ký sinh trùng.
Kiểm soát các bệnh lý
Bạn cần kiểm soát tốt các bệnh lý có thể gây thiếu máu. Ví dụ như sử dụng sản phẩm BoniBaio + để giúp phòng ngừa biến chứng xuất huyết của viêm đại tràng mãn tính; hay BoniVein + để giúp cải thiện bệnh trĩ.
Các loại thực phẩm giàu sắt
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về nguyên nhân, triệu chứng, và cách phòng ngừa bệnh thiếu máu. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Vai trò và cách bổ sung axit béo thiết yếu cho cơ thể
- Bạn biết gì về vai trò của vitamin trong phòng chống ung thư?