Mục lục [Ẩn]
Thận đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, với nhiệm vụ chính là sản xuất và bài tiết nước tiểu, loại bỏ các chất độc trong máu, ngoài ra còn rất nhiều chức năng khác. Vì vậy khi thận có vấn đề sẽ làm cho sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh thận là một căn bệnh nguy hiểm và thường khó phát hiện sớm, nếu không được chữa trị kịp thời thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo bệnh thận, mời bạn cùng tìm hiểu!
Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận
Cơ thể thường mệt mỏi và khó tập trung
Thận khỏe mạnh sẽ giúp sản xuất một loại hormone là erythropoietin (EPO) giúp cơ thể sinh ra các tế bào hồng cầu. Khi thận yếu sẽ không sản xuất đủ tế bào hồng cầu gây ra tình trạng thiếu máu. Các tế bào hồng cầu mang oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Khi lượng tế bào hồng cầu quá ít, oxy không đến được các bộ phận quan trọng khác trong đó có não sẽ gây ra mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và khó tập trung. Ngoài ra khi chức năng thận bị suy giảm sẽ dẫn đến tích tụ chất độc trong máu khiến bạn thiếu năng lượng hoặc cảm thấy vô cùng mệt mỏi từ đó khiến cơ thể trở nên suy nhược và là căn nguyên của vô số bệnh khác nhau.
Khó ngủ
Một dấu hiệu cảnh báo bệnh thận khác nữa là tình trạng khó ngủ. Khi hoạt động lọc và thải của thận không như bình thường, các độc tố sẽ bị tích tụ trong máu thay vì được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó ngủ, thậm chí nó còn khiến bạn có khả năng cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra tình trạng thiếu máu còn có thể dẫn đến hội chứng "chân không yên" (chân muốn di chuyển trong khi bạn đang cố ngủ) điều này khiến giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không sâu giấc.
Da khô và ngứa
Tình trạng da khô và ngứa là một trong những dấu hiệu của bệnh thận mà bạn cần lưu ý. Khi khỏe mạnh thận đảm nhiệm rất nhiều vai trò như là lọc và thải trừ độc tố, tạp chất; đào thải dịch dư thừa; duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu,... Khi thận mất khả năng duy trì cân bằng mật độ khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu, một loạt các bệnh lý liên quan đến xương và chất khoáng có thể phát sinh, gây ngứa hoặc khô da. Bạn có thể gặp phải tình trạng bị ngứa vì urê (sản phẩm chuyển hóa của quá trình phân hủy protein) và phốt pho (chất khoáng) không được thận bài tiết ra ngoài.
Da khô và ngứa là dấu hiệu của bệnh thận
Đau lưng
Nếu bạn gặp phải tình trạng đau ở một bên hoặc hai bên hố thắt lưng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy thận gặp vấn đề. Khi chức năng thận suy giảm sẽ làm mất cân bằng muối, nước, điện giải trong cơ thể, gây ra tình trạng ứ dịch, dẫn đến đau lưng vùng thận hay đau mỏi ngang thắt lưng. Tình trạng đau nhức ngang thắt lưng do thận yếu, biểu hiện rõ nhất tại vùng lưng dưới, ở vị trí mô mềm. Tùy tình trạng bệnh mà các cơn đau ở mức nhẹ hoặc quặn thắt.
Thường xuyên bị chuột rút
Khi thận hoạt động tốt sẽ giúp giữ cho máu được cân bằng với các chất điện giải như kali ( có vai trò đảm bảo cho cơ bắp được hoạt động bình thường), canxi, natri và phốt pho. Khi bệnh thận phát sinh, các vấn đề mất cân bằng điện giải có nguy cơ xảy ra, nếu nồng độ canxi quá thấp hoặc hàm lượng phốt pho không được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng chuột rút ở cơ bắp. Ngoài ra, nếu không đủ lượng kali trong máu có thể khiến bạn bị đau cơ và tim đập nhanh, nhưng nếu lượng kali quá nhiều có thể đe dọa đến tính mạng.
Sưng tay chân hoặc mặt
Khi chức năng thận bị suy giảm có thể khiến natri tồn đọng trong cơ thể, từ đó bắt đầu tích trữ dịch cơ thể ở mắt cá chân hoặc bàn chân, khiến chúng bị sưng phù lên. Khi bị bệnh thận, cho dù bạn có uống ít nước vẫn không tránh được hiện tượng phù mặt. Không những vậy, sự tích tụ các độc tố dư thừa còn dẫn đến tình trạng sưng mặt.
Tình trạng sưng chân do chức năng thận suy giảm
Hụt hơi, khó thở
Khi thận không thể loại bỏ chất lỏng ra khỏi cơ thể, chúng có thể tích tụ lại trong phổi khiến bạn khó thở. Thiếu máu do bệnh thận là tình trạng thiếu hồng cầu vận chuyển oxy cũng là nguyên nhân phổ biến gây khó thở ở người mắc bệnh thận.
Nước tiểu thay đổi
Một trong những chức năng chính của thận là sản xuất nước tiểu. Khi thận khỏe mạnh sẽ giúp lọc máu để tạo ra nước tiểu. Khi thận gặp vấn đề sẽ dẫn đến tình trạng đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu thấy máu trong nước tiểu, có thể bộ lọc thận đã bị tổn thương dẫn đến các tế bào máu chảy ra ngoài lẫn vào nước tiểu. Nếu gặp phải tình trạng nước tiểu có bọt thì đây là dấu hiệu sớm cho thấy protein xuất hiện trong nước tiểu do thận bị tổn thương.
Giảm cảm giác thèm ăn và có mùi vị kim loại trong miệng
Khi chức năng thận bị suy giảm sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ chất độc khiến bạn chán ăn, buồn nôn. Bạn luôn có cảm giác no hoặc mệt mỏi, uể oải không muốn ăn. Việc thận không hoạt động tốt còn làm bạn dễ cảm thấy có mùi vị kim loại giống như amoniac trong miệng. Chất thải chưa được lọc bị tích tụ trong máu (được gọi là urê huyết) sẽ làm thay đổi khẩu vị thức ăn. Bên cạnh đó, hơi thở có mùi hôi (chứng hôi miệng) khiến bạn không muốn ăn, chán ăn.
Nặng mi mắt và bọng mắt xuất hiện kéo dài nhiều ngày
Protein rò rỉ vào nước tiểu do thận bị tổn thương có thể gây nặng mi mắt vào buổi sớm khi ngủ dậy và hết trong ngày. Không những vậy, việc thiếu protein này cũng làm cho bọng mắt có khả năng xuất hiện trong nhiều ngày liên tục.
Bọng mắt xuất hiện kéo dài nhiều ngày là dấu hiệu của bệnh thận
Ngoài những dấu hiện trên thì khi chức năng thận bị suy giảm còn dẫn tới một số dấu hiệu khác như là buồn nôn kéo dài, điều này là do khi các chất độc hại không được đào thải, tích tụ lại bên trong cơ thể sẽ làm cho người bệnh có cảm giác buồn nôn, nhất là trong giai đoạn suy thận không hồi phục, triệu chứng này sẽ càng kéo dài hơn. Huyết áp cao cũng là một dấu hiệu cho thấy dư thừa chất lỏng và natri tích tụ do bệnh thận gây ra, huyết áp cao làm hỏng các mạch máu trong thận dẫn đến bệnh thận nặng hơn theo thời gian.
Trên đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh thận mà bạn cần biết, khi nhận thấy một dấu hiệu bất thường nào bạn cần đi thăm khám để được xác định sớm tình trạng mà mình đang gặp có phải là dấu hiệu của bệnh thận hay không. Việc phát hiện bệnh thận ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn. Hy vọng rằng bài viết này hữu ích đối với các bạn!
XEM THÊM:
- Thực phẩm cần tránh cho người bị suy thận
- Giải pháp nào giúp kiểm soát bệnh gút không gây hại gan và suy thận?