Mục lục [Ẩn]
Viêm ruột thừa có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Mặc dù bệnh lý này được đánh giá là xử trí không quá phức tạp thế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy hiểm do thường tiến triển nhanh, triệu chứng dễ nhầm lẫn khiến bệnh nhân không phát hiện kịp thời và dễ rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Bài viết sau sẽ trang bị cho quý độc giả tất cả những điều cơ bản nhất cần biết, giúp bạn nhận biết bệnh viêm ruột thừa tốt hơn, xin mời cùng theo dõi.
Tìm hiểu về bệnh viêm ruột thừa
Ruột thừa là gì?
Ruột thừa là phần ruột nhỏ có hình dạng tương tự một ngón tay nằm ở đáy manh tràng, nơi tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải. Dù không có chức năng tiêu hóa song ruột thừa có một vai trò nhất định trong miễn dịch do liên quan đến hệ bạch huyết chống lại sự nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trong lòng ruột thừa còn chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho đường ruột, có vai trò hạn chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh và tham gia vào hệ miễn dịch.
Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm, tắc nghẽn tại ruột thừa khiến ruột thừa bị căng chướng, thiếu máu và hại khuẩn phát triển. Nếu không được điều trị, ruột thừa sẽ hoại tử và vỡ ra gây viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa, nhiễm trùng huyết thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân tắc nghẽn lòng ruột thừa gây viêm có thể do:
- Tắc ruột thừa do sỏi, giun đũa, giun kim chui vào lòng ruột thừa hoặc ruột thừa bị gập.
- Tắc nghẽn mạch máu trong ruột thừa.
- Nhiễm trùng ruột thừa.
- Hệ thống nang lympho sưng to gây bít miệng ruột thừa.
Viêm ruột thừa
Các thể của bệnh viêm ruột thừa
-
Viêm ruột thừa cấp tính
Viêm ruột thừa cấp có triệu chứng biểu hiện ở mức độ nặng, xuất hiện đột ngột và tiến triển rầm rộ ngay trong khoảng 24 giờ đầu. Cơn viêm ruột thừa cấp xuất hiện chủ yếu ở người trẻ, trong độ tuổi từ 10-40, và thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Theo thống kê, ở Mỹ có khoảng 7-9% người dân đã từng trải qua ít nhất một lần viêm ruột thừa cấp trong đời. Đây là con số đủ cao để biết mọi người cần lưu tâm hơn về bệnh lý này, chủ động hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Cơn viêm ruột thừa cấp tính nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến vỡ ruột, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
-
Viêm ruột thừa mãn tính
Viêm ruột thừa mạn tính có tỷ lệ gặp thấp hơn viêm ruột thừa cấp tính, chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng số các trường hợp mắc viêm ruột thừa… Các triệu chứng của cơn viêm ruột thừa mạn tính thường âm ỉ, và sẽ biến mất trong khoảng vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài năm trước khi xuất hiện trở lại nên người bệnh thường khá chủ quan trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe.
Do triệu chứng ở mức độ nhẹ nên viêm ruột thừa mạn tính thường gặp khó khăn trong quá trình chẩn đoán, đa số trường hợp viêm ruột thừa mãn tính tiến triển thành đợt cấp rồi bệnh nhân mới biết và điều trị.
Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa
Triệu chứng của viêm ruột thừa cần lưu ý gồm:
Là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và bệnh nhân nào cũng gặp. Đau bụng trong viêm ruột thừa có đặc điểm như: cơn đau khởi phát ở vùng rốn hoặc thượng vị đi kèm với buồn nôn hoặc nôn. Sau khoảng 2-12 giờ, cơn đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục và tăng lên khi ho hoặc thay đổi tư thế…
Vị trí của ruột thừa ở mỗi người không giống nhau, vì thế mà vị trí đau bụng trong viêm ruột thừa của họ cũng có thể khác nhau: đau hông lưng (ruột thừa sau manh tràng), đau hạ vị(ruột thừa tiểu khung),...
Ngoài ra tính chất của cơn đau bụng trong bệnh viêm ruột thừa còn phụ thuộc và nhiều yếu tố khác như: các loại thuốc đang sử dụng; sức chịu đựng của người bệnh, sức đề kháng của người bệnh; tình trạng bệnh lý khác của người bệnh
-
Sốt
Thông thường sốt nhẹ xấp xỉ 38 độ C do tình trạng viêm nhiễm của ruột thừa. Nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng, gây triệu chứng sốt cao hơn nhiều.
- Buồn nôn
Đây là dấu hiệu viêm ruột thừa cấp và luôn xuất hiện sau đau bụng. Tuy nhiên triệu chứng này không quá đặc hiệu khi vẫn có thể nhầm lẫn với những bệnh lý khác như viêm dạ dày hoặc ngộ độc thức ăn.
Triệu chứng đau bụng, buồn nôn
- Tiêu chảy
Tiêu chảy là triệu chứng ít gặp nhất, chỉ thấy trong một số trường hợp đặc biệt như viêm ruột thừa tiểu khung hoặc ruột thừa viêm đã có biến chứng vỡ tạo ổ viêm ở túi cùng Douglas(vùng thấp nhất của ổ bụng khi đứng) gây kích thích bệnh nhân đi đại tiện.
Biến chứng của bệnh viêm ruột thừa
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh có thể sẽ dẫn đến các biến chứng sau:
- Ruột thừa vỡ: khi ruột thừa bị vỡ, các vi khuẩn sẽ tràn ra khắp bụng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi đó cần tiến hành phẫu thuật loại bỏ ruột thừa và làm sạch bụng ngay lập tức.
- Ổ áp-xe trong bụng: khi viêm ruột thừa để lâu hoặc điều trị không đúng cách, ổ viêm mủ có thể bị bao bọc lại, tạo thành sự khu trú trong ổ bụng gọi là áp xe. Với trường hợp này thì ưu tiên chọc dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm phối hợp điều trị kháng sinh theo phác đồ. Sau đó chừng 6 tháng, bệnh nhân mới có thể được xem xét đã đủ điều kiện để phẫu thuật cắt ruột thừa.
Bởi vậy, khi thấy những dấu hiệu bất thường, đặc biệt là những biểu hiện giống như đã nêu ở trên, bạn cần đi khám để chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt. Những phương pháp chẩn đoán bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hàng sờ và ấn nhẹ vào vùng bị đau. Nếu là đau ruột thừa, cơn đau sẽ nặng hơn khi bác sĩ bỏ tay ra. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể quan sát việc bệnh nhân đang gồng cứng bụng hoặc khuynh hướng co cơ bụng để phản ứng lại áp lực lên bụng khi bị viêm nhiễm.
- Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng viêm, nhiễm trùng giúp hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị
- Chẩn đoán hình ảnh: bệnh nhân có thể chụp x- quang, siêu âm hay chụp CT scan ổ bụng để giúp hỗ trợ chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cũng như phân biệt với các nguyên nhân gây đau khác không phải là viêm ruột thừa.
Siêu âm chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa
Điều trị bệnh viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được sử dụng bằng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Có hai phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa chính. Một là phẫu thuật mở bụng, bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách rạch một đường dài từ 5 đến 10cm tại vị trí thuận lợi để có thể cắt bỏ ruột thừa bên trong. Hai là phẫu thuật nội soi bụng, bác sĩ sẽ tiến hành cắt ruột thừa qua một vài lỗ nhỏ ở thành bụng. Trong quá trình phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bác sĩ phẫu thuật đưa vào ổ bụng của bệnh nhân một camera video hình ảnh và những thiết bị chuyên dùng để cắt bỏ ruột thừa.
Thông thường, phẫu thuật nội soi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Phương pháp này tốt hơn cho bệnh nhân cao tuổi hoặc béo phì.
Tuy nhiên phẫu thuật nội soi không phải thích hợp cho tất cả mọi người. Một số trường hợp đặc biệt với ruột thừa bị vỡ và nhiễm trùng đã lan ra ngoài ruột thừa, bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
Nếu áp xe đã hình thành quanh ruột thừa, ống dẫn lưu sẽ được đặt thông qua thành bụng đến ổ áp xe để dẫn mủ ra ngoài. Phẫu thuật cắt ruột thừa có thể được thực hiện sau, khi đã kiểm soát ổn định nhiễm trùng.
Mổ nội soi viêm ruột thừa
Điều trị không phẫu thuật
Có những trường hợp bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng nhẹ và bác sĩ xét thấy bệnh nhân không cần phẫu thuật ngay lập tức và có thể được điều trị bằng kháng sinh để theo dõi sự cải thiện. Trong trường hợp viêm ruột thừa không phức tạp, điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể có hiệu quả nhưng bệnh lại vẫn có khả năng tái phát.
Theo thống kê, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm ruột thừa đạt tỷ lệ thành công là 90% với viêm ruột thừa không biến chứng, 10% còn lại và tất cả những người viêm ruột thừa có biến chứng là không đáp ứng với thuốc, mà phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Thế nhưng, có đến 30% trường hợp đáp ứng với thuốc vẫn sẽ tái phát bệnh trong vòng 1 năm. Do đó, phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm vẫn là lựa chọn hàng đầu để điều trị triệt để viêm ruột thừa.
Mổ ruột thừa là một tiểu phẫu đơn giản, dễ thực hiện, độ an toàn tương đối cao. Tuy nhiên nếu trong quá trình phẫu thuật, trang thiết bị không được khử trùng cẩn thận, bác sĩ trực tiếp mổ có trình độ tay nghề không cao hoặc chăm sóc sau khi phẫu thuật không hợp lý có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng vết thương.
- Người bệnh chảy nhiều máu, không kiểm soát tốt gây mất máu nhiều khi phẫu thuật.
- Bác sĩ tiến hành cắt bỏ ruột thừa chưa có nhiều kinh nghiệm, tay nghề kém có thể gây tổn thương các cơ quan lân cận khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.
- Tắc ruột.
Tuy nhiên những rủi ro hậu phẫu cắt bỏ ruột thừa hoàn toàn có thể khắc phục được nếu phát hiện sớm nên người bệnh không cần quá lo lắng. Hơn nữa, hậu quả do di chứng sau phẫu thuật thường không nghiêm trọng bằng việc không điều trị viêm ruột thừa kịp thời. Do đó, người bệnh vẫn nên tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh vỡ ruột, nhiễm trùng huyết đe dọa đến tính mạng.
Sau phẫu thuật viêm ruột thừa bệnh nhân cần làm gì?
Thời gian hồi phục của bệnh nhân sau phẫu thuật cắt ruột thừa tùy thuộc vào phương pháp mổ nội soi hay mổ hở, viêm ruột thừa có thể biến chứng hay chưa. Với trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng và mổ nội soi, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn. Thông thường họ có thể xuất viện sau 1-2 ngày và nhanh chóng trở lại với hoạt động hàng ngày sau 2-3 ngày. Đối với các trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng thời gian hồi phục sẽ lâu hơn. Nếu bệnh nhân có mắc các bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tiểu đường, thời gian lành vết mổ sẽ chậm hơn.
Lưu ý để hồi phục nhanh hậu phẫu
Bên cạnh đó, để vết thương không bị nhiễm trùng, người bệnh cần lưu ý:
- Vệ sinh vết khâu nhẹ nhàng bằng nước sạch.
- Không tắm bồn, không xả nước mạnh vào vết thương.
- Không bôi kem, các loại hóa chất lên bề mặt vết mổ.
- Để vết khâu tiếp xúc với không khí nhiều hơn, hạn chế băng bó để bề mặt nhanh chóng se lại.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, mềm mại để tránh khiến vết thương bị viêm, kích ứng.
- Nếu bề mặt vết mổ được băng lại thì không được tự ý tháo băng để tránh chảy máu, làm rách vết khâu.
- Hạn chế vận động mạnh trong khoảng 3-5 ngày đối với mổ nội soi, còn với người bệnh mổ mở thì thời gian này là từ 10-14 ngày.
- Khi ho, cười hoặc phải di chuyển thì nên dùng một cái gối ấn nhẹ lên bụng để vết khâu không bị rách.
- Khi vết thương dần hồi phục thì người bệnh nên bắt đầu đi lại nhẹ nhàng sau đó tăng dần mức độ vận động để cơ thể nhanh chóng thích nghi trở lại.
- Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường tại đường tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, đi ngoài ra máu,… thì nên thông báo ngay với bác sĩ của bạn.
Dù đã hồi phục, bệnh nhân vẫn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ. Hãy tăng cường chế biến các món ăn từ rau củ, ăn nhiều hoa quả trái cây vào các bữa phụ, bổ sung thêm các loại hạt ngũ cốc, bột yến mạch để cải thiện sức khỏe cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường vận động, có chế độ nghỉ ngơi khoa học để giữ gìn sức khỏe tốt.
Trên đây là tất cả những điều cơ bản nhất mà mỗi người đều nên biết về bệnh viêm ruột thừa để biết cách xử trí tốt hơn khi bản thân hoặc người thân gặp phải. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800 1044 (miễn cước) để được giải đáp chi tiết. Xin cảm ơn!
XEM THÊM: