Mục lục [Ẩn]
Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý tại đường tiêu hóa, không chỉ khiến người bệnh khổ sở vì những triệu chứng khó chịu, mà còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.
Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm đại tràng giả mạc nhé!
Viêm đại tràng giả mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm đại tràng giả mạc là gì?
Viêm đại tràng giả mạc (Pseudomembranous Colitis - PMC) là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đại tràng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mảng bám màu trắng vàng, chúng kết hợp với nhau tạo thành một lớp màng giả trên niêm mạc đại tràng.
Bệnh lý này có liên quan nhiều đến việc sử dụng kháng sinh, khiến sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột bị phá vỡ. Vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh mẽ và tiết ra các độc tố gây tổn thương niêm mạc đại tràng.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc
Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc phần lớn là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C.difficile). Một số ít trường hợp mắc bệnh do nhiễm vi khuẩn khác, ký sinh trùng, sử dụng một số loại thuốc hay hóa chất (như thuốc chống viêm không steroid, cocaine, thuốc hóa trị ung thư, paraquat,...).
Viêm đại tràng giả mạc cũng có thể phát triển ở một số người mắc các bệnh đại tràng khác như: Bệnh Behcet, viêm đại tràng collagen, bệnh viêm ruột, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ,...
Clostridium difficile được phát hiện vào năm 1935, mối liên quan của nó với kháng sinh và viêm đại tràng giả mạc được đề cập vào năm 1970. Đây cũng chính là thời điểm việc sử dụng kháng sinh phổ rộng ngày càng trở nên phổ biến.
Clostridium difficile là vi khuẩn kỵ khí bắt buộc, gram dương, có cấu tạo hình que, với khả năng sinh độc tố và hình thành bào tử. Nó được xác định là tác nhân gây ra 15 - 30% các trường hợp tiêu chảy liên quan đến kháng sinh và là nguyên nhân chính gây viêm đại tràng do sử dụng kháng sinh.
Phần lớn các loại kháng sinh đều có thể gây viêm đại tràng giả mạc. Trong đó, những loại kháng sinh được biết đến nhiều nhất bao gồm:
- Các Fluoroquinolones, ví dụ như ciprofloxacin và levofloxacin.
- Các Penicillin, ví dụ như amoxicillin và ampicillin.
- Clindamycin.
- Các Cephalosporin, ví dụ như cefixime.
Theo đó, những người có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng giả mạc có thể kể đến là: Người sử dụng kháng sinh dài ngày hoặc thường xuyên, người đang phải nằm viện, trên 65 tuổi, suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh đại tràng, từng phẫu thuật đường ruột, đang hóa trị ung thư,...
Vi khuẩn Clostridium difficile gây ra viêm đại tràng giả mạc
Triệu chứng viêm đại tràng giả mạc
Triệu chứng điển hình nhất của viêm đại tràng giả mạc là đau bụng và tiêu chảy. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ hoặc quặn bụng từng cơn và đi ngoài nhiều lần trong ngày. Người bệnh cũng có biểu hiện sốt, buồn nôn và nôn, phân lỏng có thể lẫn chất nhầy, mủ hoặc máu.
Các trường hợp nặng sẽ bị mất nước, tụt huyết áp. Những triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện sau khoảng 2 ngày từ khi bắt đầu dùng kháng sinh. Hoặc, chúng có thể xuất hiện sau vài tuần khi ngừng sử dụng thuốc kháng sinh.
Biến chứng viêm đại tràng giả mạc
Việc điều trị viêm đại tràng giả mạc thường có tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng đe dọa tính mạng bao gồm:
- Mất nước: Tiêu chảy nặng, kéo dài có thể dẫn đến mất nước và chất điện giải nghiêm trọng. Khi đó, huyết áp của người bệnh sẽ bị giảm xuống rất thấp, đến mức nguy hiểm.
- Suy thận: Biến chứng này xảy ra khi tình trạng mất nước diễn ra quá nhanh, chức năng thận cũng giảm đi nhanh chóng, dẫn đến suy thận.
- Phình đại tràng nhiễm độc: Tình trạng này xuất hiện khi đại tràng không còn khả năng loại bỏ khí và phân. Các chất thải tích tụ lại khiến đại tràng trở nên căng phồng. Nếu không được điều trị, đại tràng có thể bị vỡ, khiến vi khuẩn tại đây xâm nhập vào khoang bụng. Nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao.
- Thủng đại tràng: Đây là hậu quả của việc niêm mạc đại tràng bị tổn thương nghiêm trọng, bị ăn mòn dần, rồi thủng. Vi khuẩn trong đại tràng có thể di chuyển qua vết thủng vào bên trong khoang bụng, dẫn đến viêm phúc mạc.
- Suy kiệt: Nhiễm trùng C. difficile nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh sụt cân nghiêm trọng, dẫn đến suy kiệt, thậm chí là tử vong.
Viêm đại tràng giả mạc có thể dẫn đến thủng đại tràng
Điều trị viêm đại tràng giả mạc
Các phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc gồm có:
Dừng sử dụng thuốc kháng sinh
Nếu nguyên nhân chính gây ra viêm đại tràng giả mạc đến từ các loại thuốc kháng sinh đang sử dụng, thì người bệnh bắt buộc phải dừng uống những thuốc này. Điều đó có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng, ví dụ như tiêu chảy.
Đổi sang kháng sinh khác
Người bệnh sẽ được đổi sang dùng kháng sinh khác, nếu như các triệu chứng vẫn còn xuất hiện, sau khi ngừng dùng thuốc kháng sinh cũ. Những loại thuốc này thường có tác dụng tốt với vi khuẩn C. difficile và ít ảnh hưởng đến các vi khuẩn khác, từ đó khôi phục dần hệ vi sinh đường ruột.
Cấy ghép phân (FMT)
Nếu tình trạng viêm đại tràng ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được cấy ghép phân từ người hiến tặng khỏe mạnh. Điều này cũng giúp thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh trong đại tràng.
Phẫu thuật
Trong trường hợp gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như: Suy nội tạng, vỡ đại tràng, viêm phúc mạc,... người bệnh có thể được tiến hành phẫu thuật cấp cứu, để bảo vệ tính mạng.
Chăm sóc người bệnh viêm đại tràng giả mạc
Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc người bệnh viêm đại tràng giả mạc gồm có:
- Bù nước và điện giải: Người bệnh cần được bổ sung nhiều nước và điện giải để tránh rơi vào tình trạng mất nước. Tuy nhiên, bạn không được cho người bệnh dùng đồ uống chứa nhiều đường, cồn hay caffeine.
- Nấu các món ăn dễ tiêu hóa: Người bệnh cần ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, bạn nên chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh và nên chia nhỏ các bữa ăn. Nếu người bệnh bị tiêu chảy, bạn nên cho họ ăn ít chất xơ, cho đến khi nào tình trạng bệnh có cải thiện.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm không tốt như: Thực phẩm gây dị ứng, đồ ăn nhiều chất béo, đồ chiên xào, nướng, đồ ăn chứa chất phụ gia, chất bảo quản,...
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm đại tràng giả mạc. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM: