Mục lục [Ẩn]
Nếu bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ngay cả khi bạn đã làm mọi biện pháp để phòng tránh bệnh – như không tắm bồn tắm mà tắm bằng vòi hoa sen, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ,... thì có lẽ đã đến lúc bạn cần thay đổi chế độ ăn uống. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng hơn nửa triệu ca nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở Hoa Kỳ mỗi năm là do các chủng vi khuẩn E. coli có trong thịt gây ra. Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết sau.
Xử lý thịt sống cẩn thận và chế biến riêng với các thực phẩm khác để phòng tránh nhiễm khuẩn
Nghiên cứu chỉ ra nhiễm trùng đường tiết niệu có liên quan đến vi khuẩn trong thịt
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí One Health (một tạp chí của Liên đoàn Y học Nhiệt đới Quốc tế), các nhà khoa học đã kiểm tra DNA của gần 1.200 mẫu E. coli lấy từ nước tiểu và máu của những người bị nhiễm bệnh, cũng như DNA của hơn 1.900 mẫu E. coli từ thịt sống bao gồm thịt gà, gà tây và thịt lợn.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tất cả các mẫu này trong phòng thí nghiệm, và phát hiện ra rằng khoảng 8% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E. coli từ thịt gây ra. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến 640.000 ca nhiễm trùng tiểu mỗi năm.
Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Lance Price, đồng giám đốc của Trung tâm Hành động Kháng kháng sinh và là giáo sư về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại Đại học George Washington (Washington) cho biết: “Đây là một phát hiện khá ngạc nhiên, vì E.Coli không phải là vi khuẩn được kiểm tra chặt chẽ trong các yêu cầu của FDA, USDA hoặc CDC Mỹ”.
Tại sao ăn thịt lại dẫn tới nhiễm trùng đường tiểu
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có hàng trăm chủng E. coli khác nhau và hầu hết trong số đó là vô hại . Trên thực tế, E. coli có trong đường ruột của cả người và động vật. Nhưng một số chủng E. Coli lại gây nhiễm trùng, bao gồm cả các chủng đến từ động vật.
Một số nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu do vi khuẩn trong thịt:
- Không rửa tay sạch sẽ sau khi chế biến thịt.
- Chế biến chung thực phẩm sống và chín.
- Vi khuẩn bám trên các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt, bàn bếp,... không được vệ sinh sạch sẽ.
- Ăn những sản phẩm từ thịt sống như nem, đồ tái,... có nhiễm khuẩn E. Coli
Theo CDC, bệnh nhiễm trùng tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn - có thể đến từ bàn tay không sạch hoặc từ trực tràng - xâm nhập vào niệu đạo và đi đến đường tiết niệu.
Nhiễm trùng tiểu phổ biến hơn ở phụ nữ và những người có tiền sử nhiễm trùng tiểu trước đó, những người hoạt động tình dục, người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người vệ sinh kém (như trẻ em đang tập ngồi bô).
Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng tiểu bao gồm đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu có máu, đau bụng và sốt.
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu
Để phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu, bạn đọc nên thực hiện các biện pháp sau:
Nên tắm vòi hoa sen thay vì bồn tắm để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhất là ở vùng kín. Nên thay mới quần nhỏ thường xuyên, ít nhất 6 tháng đến 1 năm/ lần.
- Không giặt đồ nhỏ chung với quần áo lớn.
- Không mặc đồ lót quá chật, có chất liệu bí, khó thoát mồ hôi.
- Sau một đợt điều trị nhiễm trùng tiểu trước đó, hãy thay thế toàn bộ quần nhỏ không mặc lại.
- Uống nhiều nước nhằm tăng lượng nước tiểu để tống xuất vi khuẩn khỏi đường tiểu.
- Tránh các chất gây kích thích niệu đạo như: các chất tẩy rửa mạnh, chất khử mùi vùng kín.
- Tắm vòi hoa sen chứ không nên tắm bồn tắm.
- Không nhịn tiểu, vì nước tiểu ứ đọng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển
- Vệ sinh sạch vùng sinh dục trước khi giao hợp.
- Bổ sung vitamin C giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
- Đi tiểu trước và sau khi giao hợp.
- Hạn chế thụt rửa, xịt hoặc bôi phấn ở vùng sinh dục.
- Lau hậu môn từ trước ra sau khi làm vệ sinh sau đại tiện, tránh đưa vi khuẩn từ vùng hậu môn vào lỗ niệu đạo.
Tiến sĩ Price cho biết kết quả nghiên cứu mới cho thấy rằng việc chế biến thịt an toàn là cần thiết để phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu. Các nguyên tắc chế biến thịt an toàn để phòng ngừa E.Coli giống với các khuyến nghị trước đó để ngăn ngừa các vi khuẩn lây nhiễm từ thực phẩm khác, bao gồm:
- Để các thực phẩm khác cách xa khu vực bạn chế biến thịt sống.
- Chỉ sử dụng thớt, dao và bát riêng cho thịt sống.
- Nấu thịt chín kỹ.
Price cho biết, những nguyên tắc này sẽ giúp giảm thiểu việc truyền bất kỳ vi khuẩn E. Coli nào trong thịt sống sang các loại thực phẩm khác mà bạn ăn. Việc nấu chín thịt sẽ giết chết vi khuẩn E. Coli.
Ngoài ra, bạn hãy vệ sinh sạch tay và các khu vực chế biến như thớt, bàn bếp,... sau khi chế biến thịt sống.
Vệ sinh thớt sạch sẽ sau khi chế biến thịt sống.
Mong rằng bài viết này giúp các bạn đọc hiểu thêm về nguy cơ nhiễm trùng tiểu từ vi khuẩn E.Coli có trong thịt động vật và các biện pháp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng tiết niệu. Bệnh này không chỉ khiến người bệnh khó chịu, gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu gì nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được phát hiện và chữa trị kịp thời. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: