Mục lục [Ẩn]
Đối với bất kỳ bệnh lý nào, việc bệnh nhân và người nhà của họ có sự hiểu biết nhất định về bệnh đó là yếu tố quan trọng để có thể kết hợp tốt với bác sĩ, bệnh viện trong quá trình điều trị.
Với bệnh u tuyến yên cũng vậy. Nếu bạn là người bệnh hoặc người nhà của bệnh nhân, hãy dành ra ít phút để theo dõi bài viết dưới đây, từ đó có được thông tin quan trọng về căn bệnh này. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
U tuyến yên là bệnh gì?
U tuyến yên là bệnh gì?
Tuyến yên là một tuyến thuộc hệ nội tiết có kích thước rất nhỏ (khoảng 1-1.2cm), nằm ở sàn não thất ba, trong hố yên của thân xương bướm và được chia làm 3 thùy: Thùy trước, thùy giữa và thùy sau.
Tuyến này đóng vai trò rất lớn đối với cơ thể con người khi nó là cơ quan tiết nhiều hormon quan trọng như GH (hormon tăng trưởng), Prolactin , ACTH (kích thích sự tổng hợp và bài tiết hormon vỏ thượng thận…), TSH, FSH, LH, Vasopressin, Oxytocin… Các hormon này tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể như: Tăng trưởng, sinh sản, chuyển hóa, huyết áp…
U tuyến yên là bệnh mà có sự phát triển quá của tế bào và hình thành khối u trong tuyến yên. Hầu hết u tuyến yên là lành tính và chỉ tăng nhẹ về kích thước mà không gây xâm lấn, chèn ép đến cơ quan khác. Nhưng khi kích thước đủ lớn, gây chèn ép các phần não xung quanh, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và điều hòa sự cân bằng nội tiết tố thì sẽ gây nhiều vấn đề trên sức khỏe và chức năng của cơ thể.
Các dấu hiệu, triệu chứng của u tuyến yên với mỗi người sẽ có mức độ khác nhau do còn phụ thuộc vào kích thước khối u, vị trí, loại nội tiết tố khối u tiết ra, mức độ phát triển của khối u…
U tuyến yên là gì?
Ảnh hưởng của u tuyến yên tới sức khỏe
Như đã trình bày ở trên, tuyến yên là nơi tiết ra các hormon tham gia vào nhiều quá trình sống của cơ thể. Vì thế, khi bệnh tiến triển đến một mức nào đó sẽ gây:
Rối loạn nội tiết
U tuyến yên có thể gây rối loạn nội tiết tố (tăng hoặc giảm sản xuất một số hormon quan trong của cơ thể, từ đó gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe. Cụ thể:
- Tăng tiết ACTH: Nồng độ ACTH tăng lên do u tuyến yên gây hội chứng cushing, làm tăng tiết không kiểm soát cortisol, người bệnh sẽ gặp tình trạng vết thương khó lành, xương yếu, giòn và dễ gãy, tiểu nhiều lần trong ngày, cơ nhão, bụng to, tay chân nhỏ, xuất hiện vết rạn da ở đùi, tay, bụng, người luôn trong trạng thái mệt mỏi, yếu cơ…
- Tăng tiết prolactin do u tuyến yên: Prolactin đóng vai trò kích thích tăng trưởng tuyến vú và sự sản xuất sữa lúc có thai và cho con bú, đồng thời ức chế tác dụng của Gonadotropin tại buồng trứng. Khi nồng độ chất này trong cơ thể tăng lên sẽ gây ra các rối loạn như: Chậm kinh, mất kinh nguyệt, vô sinh, tiết sữa ở vú dù không mang thai,… Ở nam giới, sự tăng tiết prolactin có thể khiến họ giảm ham muốn tình dục, mất hoặc giảm khả năng cương dương,…
- Tăng tiết hormon tăng trưởng GH: GH là hormon đóng vai trò quan trọng trong việc xương phát triển theo chiều dài, tăng sự vận chuyển axit amin vào mô, tổng hợp protein ở gan, giảm hấp thu glucose ở cơ và mô mỡ,... Khi bị u tuyến yên, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề do tăng tiết GH như trán dô, mặt to, đầu chi to, cằm rộng, bàn chân và ngón chân to, …
- Giảm tiết các hormon khác: Khi u tuyến yên phát triển lớn, chèn ép lên những tế bào lành tính của tuyến này có thể gây ra các tình trạng như: Vô sinh, bất lực, rụng lông, da khô, mệt mỏi, chậm phát triển, chậm dậy thì, ăn không ngon miệng,…
Gây rối loạn thị giác
Vì vị trí tuyến yên nằm rất gần với khu vực các dây thần kinh thị giác nên khi kích thước u tuyến yên lớn, chúng có thể gây chèn ép dẫn đến tình trạng nhìn mờ, nhìn bánh manh (chỉ nhìn được một phía trong hoặc ngoài).
Khi khối u xâm lấn sang hai bên, người bệnh có thể bị nhìn đôi, lác mắt, tê bì mặt…
U tuyến yên có thể gây rối loạn thị giác
Gây tăng áp lực nội sọ
Khi kích thước tuyến yên tăng lên đến 1 mức nào đó sẽ gây chèn ép và tăng áp lực chung lên nội sọ. Điều này gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng bao gồm giảm ý thức, tăng huyết áp, buồn nôn, đau đầu, thở nông, thậm chí hôn mê sâu,…
Người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như hôn mê kéo dài, tổn thương não vĩnh viễn,… thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị u tuyến yên bằng cách nào?
Nếu bạn xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy sớm đến bệnh viện để kiểm tra. Dựa trên kích thước, vị trí và ảnh hưởng của khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị u tuyến yên là:
- Phẫu thuật: Phương pháp này áp dụng khi u tuyến yên gây tăng áp lực lên dây thần kinh thị giác hoặc tăng sản xuất các loại hormone. Hiện nay có hai kỹ thuật phẫu thuật được dùng trong điều trị là mổ nội soi và mổ thông qua tiếp cận xuyên sọ.
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị u tuyến yên
- Xạ trị: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị chiếu tia X năng lượng cao để tiêu diệt khối u. Tùy vào tình trạng khối u của từng người mà thời gian xạ trị có thể kéo dài hàng tháng hoặc cả năm.
- Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê các thuốc điều chỉnh lượng hormon tiết ra hoặc làm giảm kích thước 1 số loại u tuyến yên.
- Bổ sung hormon ngoại sinh: Khi u tuyến yên làm giảm tiết 1 số loại hormon thì người bệnh cần được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormon để duy trì lượng hormon bình thường trong cơ thể.
Khi được chẩn đoán mắc u tuyến yên, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, uống thuốc đều đặn khi được chỉ định và tái khám định kỳ. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Xương thủy tinh - Bạn biết gì về căn bệnh này?
- Viêm mào tinh hoàn - Một bệnh lý có thể gây vô sinh ở nam giới!