Mục lục [Ẩn]
Theo ước tính, số người mắc suy tim trên toàn thế giới vào khoảng 200 triệu người, tương đương với 2,4% dân số. Tại Việt Nam, con số này là khoảng 1,6 triệu người.
Suy tim còn là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, hơn cả một số loại ung thư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự nhận biết rõ ràng về căn bệnh này. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem: “Suy tim là gì?” nhé!
Suy tim là gì? Phân loại và phân độ của suy tim
Suy tim là gì?
Chúng ta đều biết rằng, tim là một cơ quan đặc biệt, giữ nhiệm vụ bơm máu giàu oxy và dưỡng chất đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Suy tim (heart failure) hiểu đơn giản là tim không còn bơm máu được tốt như bình thường. Đây là một hội chứng lâm sàng vô cùng phức tạp, xảy ra sau hàng loạt các tác động gây tổn thương và rối loạn chức năng tim.
Suy tim là một bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, và tiêu tốn rất nhiều chi phí cho việc điều trị. Theo thống kê, số người bệnh tử vong sau 1 tháng được chẩn đoán rơi vào khoảng 10 - 15%. Số người bệnh tử vong sau 1 năm vào khoảng 20 - 30% và sau 5 năm là 40 - 50%.
Suy tim là tình trạng tim không còn thực hiện được tốt khả năng bơm máu
Các dạng của suy tim là gì?
Hiện nay, suy tim được phân loại bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như theo vị trí, chức năng, cung lượng tim,... Theo đó, các dạng của suy tim có thể kể đến như:
Phân loại suy tim theo vị trí của buồng tim
- Suy tim trái: Đây là tình trạng xảy ra khi khả năng co bóp của tâm thất trái bị suy giảm. Điều này khiến cho việc tim bơm máu giàu oxy từ phổi đến các cơ quan khác bị ảnh hưởng.
- Suy tim phải: Đây là tình trạng tâm thất phải bị suy yếu, không còn thực hiện đầy đủ khả năng co bóp để bơm máu từ tim về phổi.
- Suy tim toàn bộ là tình trạng chức năng của tất cả các buồng tim bị suy giảm. Nguyên nhân của suy tim toàn bộ thường là do tiến triển khi người bệnh bị suy tim trái lâu năm.
Phân loại suy tim theo chức năng sinh lý
- Suy tim tâm thu được định nghĩa là trường hợp suy tim có phân suất tống máu (Ejection Fraction - EF) giảm còn nhỏ hơn hoặc bằng 40%.
- Suy tim tâm trương là suy tim có phân suất tống máu bảo tồn từ 50% trở lên.
- Các trường hợp khác:
- Phân suất tống máu bảo tồn giới hạn từ 41 - 49%. Người bệnh có biểu hiện lâm sàng và được điều trị như trường hợp suy tim tâm trương.
- Phân suất tống máu bảo tồn cải thiện từ 40% trở lên. Người bệnh có đặc điểm là EF giảm nhưng có thể cải thiện, hoặc hồi phục. Những biểu hiện lâm sàng của người bệnh cũng khác biệt với hai dạng suy tim EF bảo tồn hay EF giảm.
Cách tính phân suất tống máu
Phân loại suy tim theo cung lượng tim
Cung lượng tim là thể tích máu được tim bơm vào động mạch trong vòng 1 phút. Suy tim theo cung lượng tim được chia thành 2 loại là: Cung lượng tim cao và cung lượng tim thấp.
Phân loại suy tim theo mức độ tiến triển
- Suy tim cấp là tình trạng chức năng của tim giảm đột ngột, với triệu chứng điển hình là giảm cung lượng tim hệ thống và sung huyết phổi. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả người không có tiền sử bệnh tim, hoặc do đợt mất bù cấp ở người có bệnh tim mạch.
- Suy tim mạn là tình trạng chức năng của tim suy giảm dần theo thời gian, diễn biến từ từ. Tình trạng này thường gặp ở những người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh lý nền như: Tăng huyết áp, tiểu đường,...
Phân độ suy tim là gì?
Để đánh giá mức độ nghiêm trọng, suy tim được phân thành các mức độ khác nhau, dựa trên ảnh hưởng của suy tim tới cuộc sống của người bệnh, các yếu tố nguy cơ, hay hiệu quả điều trị,... Phân độ suy tim được áp dụng cho các trường hợp suy tim mạn tính.
Phân độ suy tim theo NYHA
Đây là phân loại của Hội Tim mạch học New York (viết tắt là NYHA), được sử dụng phổ biến nhất. Theo đó, suy tim được phân thành 4 mức độ như sau:
- Suy tim độ 1: Đây là giai đoạn đầu của suy tim, chức năng của tim vẫn còn tốt. Người bệnh không bị giới hạn hoạt động thể chất, có thể thực hiện được các công việc bình thường mà không cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp, khó thở,...
- Suy tim độ 2: Đây là mức độ suy tim nhẹ, người bệnh bắt đầu gặp một số trở ngại trong các hoạt động thể chất. Khi nghỉ ngơi, người bệnh vẫn bình thường, không có biểu hiện gì của suy tim. Tuy nhiên, khi hoạt động nặng, người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, khó thở, hồi hộp.
- Suy tim độ 3: Đây là suy tim giai đoạn nặng, người bệnh gặp nhiều trở ngại trong hoạt động thể chất. Ngay cả những hoạt động nhẹ nhàng cũng khiến người bệnh bị khó thở, đau tức ngực, đánh trống ngực,... Triệu chứng đỡ khi nghỉ ngơi.
- Suy tim độ 4: Đây là mức độ suy tim nghiêm trọng. Người bệnh gặp những triệu chứng của suy tim ngay cả trong lúc nghỉ ngơi. Bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng trở nên khó khăn với họ. Người bệnh cần được điều trị tích cực tại bệnh viện, hoặc phải chờ ghép tim.
Phân độ suy tim theo NYHA
Phân độ suy tim theo ACC/AHA
Đây là phân độ của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC), và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA). Theo đó, suy tim phân chia thành 4 giai đoạn, được ký hiệu bằng chữ cái A, B, C, và D.
- Giai đoạn A: Đây là giai đoạn tiền suy tim. Người bệnh được xếp vào nhóm có nguy cơ cao phát triển bệnh suy tim do có tiền sử gia đình, hoặc mắc các bệnh lý như: Tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành, hội chứng chuyển hóa, lạm dụng rượu,...
- Giai đoạn B: Người bệnh có những bệnh lý liên quan đến cấu trúc tim như: Hẹp hoặc hở van tim, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành,... Tuy nhiên, họ chưa có triệu chứng suy tim trên lâm sàng.
- Giai đoạn C: Người bệnh có những thay đổi trong cấu trúc tim ở giai đoạn B, và đi kèm với các triệu chứng suy tim như: Hụt hơi, ho khan, khó thở, đau thắt ngực, mệt mỏi, kiệt sức, sưng bàn chân, mắt cá, cẳng chân và bụng,...
- Giai đoạn D: Đây là giai đoạn suy tim nặng. Người bệnh đáp ứng kém, hoặc không có đáp ứng với điều trị, nhập viện nhiều lần. Họ cần dùng đến sự trợ giúp của thuốc vận mạch, thuốc tăng co bóp cơ tim, thiết bị tái đồng bộ cơ tim, trợ thất, hoặc cần được ghép tim.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho quý độc giả về vấn đề: “Suy tim là gì?”, cũng như cách phân loại và phân độ suy tim. Nếu có băn khoăn về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Nguyên nhân suy thận mạn là gì? Làm sao để điều trị hiệu quả?
- Điểm danh những dấu hiệu thiếu máu bạn không được bỏ qua