Mục lục [Ẩn]
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục ở cả nam và nữ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh lậu có thể mang lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh lậu rất quan trọng để giúp bệnh nhân có thể chủ động phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.
Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây bệnh lậu.
Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, do song cầu Gram (-) Neisseria gonorrhoeae gây nên.
Khi mắc bệnh, vi khuẩn lậu thường cư trú và gây nhiễm trùng tại các cơ quan như cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng, âm đạo, hậu môn ở nữ giới và dương vật, niệu đạo,.. ở nam giới. Ngoài ra, lậu cầu khuẩn cũng được phát hiện trong mắt, họng, miệng và hậu môn của người bệnh.
Bệnh lậu có thể xuất hiện ở mọi giới tính và độ tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất ở nam và nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong những năm gần đây, bệnh lậu đang có xu hướng phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 62 triệu bệnh nhân lậu trong 390 triệu bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng trên 50.000 -100.000 trường hợp bị lậu.
Con đường lây truyền chính của bệnh là đường tình dục (bao gồm cả quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn và đường miệng). Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu có thể lây cho con trong quá trình chuyển dạ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ của trẻ.
Các dấu hiệu bệnh lậu
Dấu hiệu bệnh lậu ở nam
25% nam giới bị lây bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục với người bệnh. Thời gian ủ bệnh sau khi lây từ 1 - 14 ngày, trung bình từ 2 - 5 ngày, lúc này các triệu chứng bệnh lậu thường mờ nhạt và dễ bị người bệnh bỏ qua.
Viêm niệu đạo là triệu chứng thường gặp ở nam giới mắc bệnh lậu.
Khi phát bệnh, nam giới thường có những triệu chứng sau:
- Viêm niệu đạo: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh lậu ở nam. Nam giới bị viêm niệu đạo do lậu sẽ biểu hiện cấp tính với các triệu chứng khó chịu, đái buốt và ra mủ, thường kèm theo phù nề và đỏ miệng sáo. Trong đó, ra mủ niệu đạo là một triệu chứng đặc hiệu của bệnh lậu, mủ màu vàng, vàng xanh, số lượng nhiều.
- Nhiễm trùng vùng họng và miệng: Xảy ra ở nam giới quan hệ tình dục đường miệng. Khi đó, bệnh nhân có cảm giác đau cổ họng như cảm ốm bình thường nhưng các triệu chứng nặng hơn và kéo dài dai dẳng.
- Ngứa hậu môn: Ở một số trường hợp, vi khuẩn lậu tấn công vào hậu môn gây ngứa, chảy máu hậu môn. Một số trường hợp bị tiêu chảy và đau khi đi vệ sinh.
- Nhiều bệnh nhân có triệu chứng không rõ ràng nếu không được điều trị thì sau vài ngày đến vài tuần có nguy cơ mắc các biến chứng tại chỗ như viêm niệu đạo gây đái són đau, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh….
- Ngoài ra, bệnh lậu còn khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức, sốt nhẹ, nổi hạch bẹn, ăn uống không ngon miệng…
Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ giới
Tỷ lệ nữ bị mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục với đàn ông bị bệnh vào khoảng 60-80%. Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng, thông thường trong khoảng 10 ngày.
Khác với nam giới, các dấu hiệu bệnh lậu ở nữ giới không rõ ràng và cụ thể, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thông thường. Vì thế nhiều người đã chủ quan bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng thường thấy ở nữ giới mắc bệnh lậu là:
- Cảm thấy đau rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều hơn bình thường.
- Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch nhiều hơn và có màu sắc không bình thường.
- Cảm thấy đau khi quan hệ tình dục, đặc biệt đau ở bụng dưới.
- Viêm ống cổ tử cung: Nhiều bệnh nhân cổ tử cung ra mủ hoặc mủ nhầy, đỏ và phù nề vùng ngoài cổ tử cung và khi chạm vào rất dễ chảy máu.
- Các chị em phụ nữ bị bệnh lậu cũng có thể xuất hiện cảm giác ngứa rát hậu môn, đau đớn và chảy máu khi đi đại tiện.
- Cảm thấy đau rát họng nếu bị lây nhiễm song cầu khuẩn lậu ở miệng và họng.
- Ngoài ra, bệnh nhân có khả năng bị sốt, mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể.
Bệnh lậu ở nữ giới nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm ống dẫn trứng, chửa ngoài dạ con, viêm cổ tử cung,… Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh lậu rất dễ bị sảy thai hoặc truyền bệnh sang con.
Bệnh lậu gây sốt, mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể
Dấu hiệu bệnh lậu ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị lây bệnh lậu từ mẹ thường có biểu hiện ở mắt, bệnh xuất hiện sau đẻ từ 1 - 3 ngày với các triệu chứng:
- Trẻ bị chảy nhiều nước mắt, dần chuyển sang dịch mủ xanh, vàng hoặc trắng, lâu dài sẽ tạo thành một lớp vảy trên mắt, gây khó khăn trong việc mở mắt.
- Sưng, đỏ ở khu vực trong mắt và xung quanh mắt.
- Đau mắt.
- Suy giảm độ nhạy cảm với ánh sáng.
- Giác mạc viêm đỏ và có thể loét.
.
Biến chứng bệnh lậu
Biến chứng toàn thân
Một số biến chứng toàn thân của bệnh lậu là:
- Một số bệnh nhân mắc lậu cấp không điều trị kịp thời đã mắc biến chứng nhiễm lậu cầu toàn thân, một số bác sĩ gọi là Hội chứng viêm da - khớp vì biểu hiện lâm sàng là đau khớp và có biểu hiện ngoài da. Thương tổn hay gặp nhất là mụn mủ hoại tử, đau trên nền da đỏ nhưng cũng có thể là dát, sẩn, mụn mủ đơn thuần, xuất huyết, bọng nước. Đau khớp hoặc viêm gân bao hoạt dịch xảy ra ở các khớp gối, cổ tay, khớp cổ chân và khớp ngón tay, ngón chân.
- Nhiễm trùng huyết do lậu.
- Viêm màng não và viêm màng tim do lậu. Tỷ lệ xảy ra trên bệnh nhân rất thấp, chỉ khoảng 1-3%. Tuy nhiên, đây là biến chứng rất nặng, có thể gây tổn hại van tim, thường là van động mạch chủ đe dọa tính mạng người bệnh. Viêm màng não hiếm gặp và không có biểu hiện điển hình.
Biến chứng tại chỗ
Ở nam và nữ sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng tại chỗ khác nhau như sau:
- Biến chứng tại chỗ ở nam giới: Biến chứng thường gặp nhất là viêm mào tinh hoàn, biến chứng này xảy ra ở 20% bệnh nhân lậu với biểu hiện là sưng, đau một bên bìu và thường có viêm niệu đạo. Một số biến chứng khác hiếm gặp hơn là viêm mạch bạch huyết, chít hẹp niệu đạo, áp xe quanh niệu đạo, viêm túi tinh, viêm tuyến tiền liệt.
- Biến chứng tại chỗ ở nữ giới: 2 biến chứng thường gặp nhất của bệnh lậu ở nữ giới là viêm vòi trứng và viêm tiểu khung. Viêm vòi trứng là biến chứng hay gặp nhất của bệnh lậu và có thể để lại những hậu quả lâu dài như vô sinh, chửa ngoài tử cung, đau tiểu khung mãn tính. Biểu hiện là đau bụng dưới, đau khi giao hợp, rối loạn kinh nguyệt, ra máu giữa kỳ kinh ...Viêm tiểu khung do lậu thường cấp tính hơn và xuất hiện sớm hơn viêm tiểu khung do các tác nhân khác.
Biện pháp phòng ngừa bệnh lậu
Chắc hẳn qua những phần trên, bạn đã nắm được các dấu hiệu bệnh lậu và các biến chứng của bệnh lậu. Nếu bạn có những dấu hiệu, triệu chứng trên, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Một số giải pháp để phòng ngừa bệnh lậu:
- Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh lậu là quan hệ tình dục an toàn như: Không quan hệ tình dục với người đang có triệu chứng nhiễm trùng hoặc bệnh lậu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Nếu bạn tình có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy tránh tiếp xúc tình dục và khuyên họ nên đi kiểm tra để loại trừ bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào có thể lây truyền.
- Quan hệ chung thủy một vợ một chồng.
- Vệ sinh thân thể và cơ quan sinh dục hàng ngày, sạch sẽ, cả trước khi quan hệ và sau khi quan hệ.
- Khám tổng quát 6 tháng/ 1 lần.
- Không sử dụng chung khăn tắm, đồ lót với người khác.
Mong rằng qua bài viết này bạn đã nhận biết được các dấu hiệu bệnh lậu và các biện pháp để phòng ngừa căn bệnh này. Với bệnh, việc che dấu không đi thăm khám sẽ khiến bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn và có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lậu, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám để được điều trị kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Xem thêm
- Thiếu máu: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- Tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi